NHẬN DIỆN VÀ XỬ TRÍ KIẾN BA KHOANG CẮN CHUẨN NHẤT

06/07/2021 0 Bình luận

Kiến ba khoang cắn là một tình trạng khá phổ biến hiện nay, nhất là tại nhiều chung cư, căn hộ, nhà dân gần công viên, nơi có bụi cây, nhất là lại quên đóng cửa khi ngủ thì càng làm gia tăng nguy cơ bị loài côn trùng này tấn công. Nhiều người rất lo lắng vì sau khi bị kiến ba khoang cắn thường có cảm giác đau rát, mụn nước rộp lên và lan rộng. Cách nhận diện và xử trí nhanh chóng, đơn giản và đúng nhất là gì?

Tại sao lại có tên gọi kiến ba khoang? Đặc điểm của kiến ba khoang?

Tên khoa học của nó là Paederus, hay còn gọi là kiến kim, kiến lác, kiến nhốt, kiến cằm cặp, kiến cong đít...nhưng mà chúng ta thấy nó có 3 cái vằn chia ra là 3 phần màu sắc nhìn rõ rệt nên gọi là 3 khoang.

Kiến ba khoang thuộc họ cánh cứng, có mặt khắp mọi nơi trên thế giới, nhiều nhất ở Phi châu và Á châu.

Đây là loại côn trùng có mình dài khoảng 7-10mm, mảnh, có 3 đôi chân, cơ thể có 2 vòng đỏ, 3 vòng đen rất điển hình, bay và chạy cực nhanh, thường ẩn náu nơi ẩm ướt, bụi rậm, hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rất thích ánh đèn sang huỳnh quang, chính vì vậy mà giải thích tại sao nhiều nhà ngủ đêm không đóng cửa, sáng sau tỉnh dậy tự nhiên thấy vết bỏng rát rồi rộp lên mụn nước chính là kiến ba khoang đã bay vào nhà mà không biết.

Cách nhận biết kiến ba khoang cắn chuẩn nhất?

Vì chẳng ai đi làm xét nghiệm để chẩn đoán có bị kiến ba khoang cắn (chích, đốt) hay không, cho nên hoàn toàn chẩn đoán việc bị loại côn trùng này gây ra tổn thương trên da là dựa vào lâm sàng, cụ thể:

  • Tại vị trí bị kiến ba khoang cắn sẽ xuất hiện phản ứng viêm da mà trước đó vùng da này hoàn toàn bình thường. Ban đầu chỉ là một vài chấm đỏ hoặc một đám da đỏ ửng lên như dị ứng, hoặc như vết cào xước thông thường, hơi nề, kích thước chỉ vài mm đến vài cm. Nhưng chỉ sau vài giờ hoặc một ngày thôi là đã xuất hiện mụn nước, bọng nước giữa dát đỏ.
  • Nhẹ thì chỉ dừng lại ở đó, có chăng thêm một chút mụn nước li ti rồi tự hết, nhưng trường hợp nặng sẽ kéo dài vài 3-5 ngày sau tiếp tục xuất hiện mụn nước to hơn, thậm chí là mụn mủ, màu đục chứ không trong veo như lúc đầu, tệ hơn nữa là vết loang rộng lớn, hoại tử.
  • Cơ năng: cảm giác là bỏng, rát và ngứa, hơi giống kiểu bị zona thần kinh.
  • Toàn thân: một số bệnh nhân còn có biểu hiện sốt, đau nhức người và nổi hạch.

Vậy cách xử trí kiến ba khoang cắn chuẩn nhất là gì?

Ngay khi phát hiện bị kiến ba khoang cắn chúng ta phải loại bỏ côn trùng đó ngay, không di, giết, chà xát vì có thể làm nọc độc của nó tiết ra nhiều hơn, gây tổn thương nặng hơn. Rửa ngay bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Tiếp theo đó có thể bôi hồ nước hoặc hồ Tetra-Pred hoặc các loại mỡ kháng sinh phối hợp với coriticoid như Fucicort chẳng hạn, bôi khoảng 2-3 lần/ ngày.

Trường hợp bọng nước có mủ, chúng ta chấm dung dịch milian, xanh methylen hoặc thuốc tím pha loãng.

Thường thì không phải uống thuốc, nhưng nếu trường hợp nặng có bội nhiễm, mủ nhiều, ngứa nhiều thì cần uống kháng sinh và kháng histamin.

Bác sĩ Thắng

Về trang Y HỌC GIA ĐÌNH.

 

Tags :

Sức khỏe Tin tức

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: