PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN B MẠN TÍNH 2019 CÓ GÌ MỚI

28/09/2019 0 Bình luận

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN B MẠN TÍNH 2019 CỦA BỘ Y TẾ VIỆT NAM CÓ GÌ MỚI, CÓ GÌ HAY KHÔNG?

Các bạn có thể xem chi tiết tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút B do Bộ Y tế phát hành theo quyết định số 3310/QĐ-BYT ký ngày 29-07-2019 (xin gọi tắt là phác đồ viêm gan B 2019), tuy nhiên ở đây chỉ đưa ra ngắn gọn những gì mới hơn, hay hơn so với những phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút B các năm trước mà thôi. Tôi cũng chỉ đề cập đến viêm gan B mạn tính, còn viêm gan B cấp tính đa phần tự khỏi, khó phát hiện và nếu có vô tình phát hiện thì cũng là điều trị nội trú trong bệnh viện, ít thiết thực với phần đa bệnh nhân không có kiến thức chuyên sâu cao.

So với phác đồ viêm gan B các năm trước thì năm nay có điểm đáng chú ý là trong phần chỉ định điều trị cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính ngoài 2 tiêu chuẩn chính bắt buộc có để khởi động dùng thuốc đặc trị NAs, thì năm nay đã đưa thêm những tiêu chuẩn phụ.

Cụ thể, tiêu chuẩn chính gồm:

  1. Tổn thương tế bào gan, biểu hiện trên xét nghiệm: AST, ALT > 2 ULN (giới hạn cao của trị số men gan ở người bình thường) và/ hoặc xơ gan F >= 2.
  2. Vi rút đang tăng sinh: dựa vào kết quả định lượng virus: HBV-DNA > 20.000IU/ml (hoặc > 10^5 copies/ml) với HBeAg dương, và HBV-DNA > 2.000IU/ml (hoặc > 10^4 copies/ml) với HBeAg âm.

Tiêu chuẩn phụ (dành cho những trường hợp mà không đủ 2 tiêu chuẩn chính trên vẫn có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus) gồm:

  1. Trên 30 tuổi với mức ALT tăng cao hơn ULN kéo dài (ghi nhận ít nhất 3 lần trong khoảng 1 năm) và HBV-DNA > 20.000IU/ml bất kể HBeAg dương hay âm.
  2. Tiền sử gia đình có người bị viêm gan B mạn và có tiến triển thành ung thư gan HCC hoặc xơ gan.
  3. Có các biểu hiện bệnh ngoài gan như: viêm cầu thận, viêm đa khớp, cryoglobulin máu, viêm đa nút động mạch...
  4. Tái phát sau khi ngừng thuốc kháng HBV.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong phác đồ viêm gan B 2019 này, khi nói tới thuốc điều trị viêm gan B mạn tính chỉ gồm có: Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), Entecavir (ETV), Tenofovir Alafenamide Fumarate (TAF), thuốc tiêm có Peg_IFN_alpha_2a mà không còn thấy đề cập đến thuốc Lamivudin hay Adefovir.

Bàn luận:

Thực ra phác đồ này là mới so với những phác đồ điều trị viêm gan B mạn cũ ở Việt Nam những năm trước, chứ không có gì mới ở thế giới. Kể cả trên thực hành lâm sàng, từ lâu nay các bác sỹ cũng đã theo guideline của các hiệp hội gan mật hàng đầu thế giới như: Hiệp hội gan mật châu Âu (EASL) hay Hội gan mật Hoa Kỳ (AASLD).

Có điểm phác đồ viêm gan B 2019 của Bộ Y tế đã cập nhật thuốc mới nhất trong điều trị viêm gan B là TAF 25mg, làm cơ sở pháp lý cho việc nhập thuốc, kê đơn, điều trị cho bệnh nhân một cách chính thống, hướng tới bảo hiểm y tế sẽ thanh toán là một điều rất tốt. Xa hơn nữa sẽ là sản xuất thuốc ngay tại Việt Nam để giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân viêm gan B mạn.

Những thuốc cũ hơn không còn được đề cập trong phác đồ này mà bệnh nhân vẫn đang dùng tốt thì hãy cứ dùng chứ không phải thấy phác đồ mới không có là từ bỏ ngay. 

Nói tóm lại, phác đồ điều trị viêm gan B hay các phác đồ điều trị bệnh khác cũng vậy, sẽ luôn có sự thay đổi cập nhật theo hàng năm. Vì vậy, việc điều trị viêm gan B mạn tính nói riêng cũng như điều trị bệnh nói chung phải có kiến thức nền chắc chắn, kinh nghiệm lâm sàng đa dạng phong phú và luôn luôn cập nhật những tiến bộ y học không ngừng.

 

 

Tags :

Nổi bật Sức khỏe Tin tức

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: