PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN VI RÚT B TỪ MẸ SANG CON

29/09/2019 0 Bình luận

PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN VI RÚT B TỪ MẸ SANG CON

Xin trích nguyên văn tài liệu hướng dẫn của Bộ y tế 2019 về phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con, sau đó sẽ có hướng dẫn thực tế cho các cặp vợ chồng cách làm thiết thực nhất:

''- Tiêm vắc xin VGVR B liều sau sinh cho tất cả trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg dương tính: tiêm kháng huyết thanh VGVR B và vắc xin VGVR B trong vòng 24 giờ sau sinh. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin VGVR B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Đối với các trường hợp thai phụ có tải lượng HBV DNA > 200.000 IU/mL (> 106 copies/mL) hoặc HBsAg định lượng > 104 IU/mL, tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con

+ Dùng TDF từ tuần 24 - 28 của thai kỳ, nếu muộn hơn thì nên bắt đầu ít nhất 4 tuần trước sinh và liên tục đến 4 - 12 tuần sau sinh

+ Theo dõi tình trạng của mẹ gồm triệu chứng lâm sàng, AST, ALT mỗi 4 - 12 tuần, tải lượng HBV DNA trong vòng 24 tuần sau sinh để phát hiện VGVR B bùng phát.

+ Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs cho trẻ > 12 tháng tuổi để đánh giá tình trạng nhiễm HBV.

- Không chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ ở những người mẹ có HBsAg dương tính và mẹ đang sử dụng TDF để điều trị bệnh hoặc điều trị dự phòng.''

Nguồn: Bộ Y tế theo quyết định số 3310/QĐ-BYT ngày 29-07-2019.

Đọc vào đây thì đối với các cặp vợ chồng không có chuyên môn sâu về viêm gan B sẽ không thể hiểu nổi. Đơn giản hóa vấn đề hơn, chúng ta cần tiến hành theo các bước: Đầu tiên là đi làm xét nghiệm tầm soát trước khi có ý định có con đối với cả vợ và chồng (vì virus viêm gan B lây qua 3 đường: máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con) nên phải xét nghiệm đồng thời cả 2 người.

Sẽ xảy ra các tình huống sau:

  1. Nếu cả 2 vợ chồng đều âm tính (tức là không có virus viêm gan B) thì không phải lo lắng gì nữa, tất cả chỉ cần sinh nở bình thường, sau đó tiêm phòng vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng là xong.
  2. Nếu vợ không có vi rút viêm gan B nhưng chồng có, thì cần phải tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho vợ, sau đó đi đo nồng độ kháng thể kháng HBV của vợ (Anti-HBs) nếu trên 10IU/ml thì có thể yên tâm quan hệ vợ chồng rồi sinh con hoàn toàn bình thường.
  3. Nếu vợ có virus viêm gan B thì cần xác định xem virus này có từ bao giờ, tình trạng có nghiêm trọng không, có phải đợt bùng phát viêm gan B mạn hay không. Nếu chỉ là người lành mang virus viêm gan B, không có men gan tăng cao thì có thể tiến hành mang thai. Trong quá trình mang thai sẽ liên tục làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ HBV-DNA và men gan. Nếu nồng độ ấy tăng trên 10^6 copies/ml thì sẽ điều trị bằng thuốc kháng virus là Tenofovir ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ. Trẻ em sinh ra từ người mẹ có viêm gan B mạn thì cần chọn bệnh viện có đủ phương tiện, thuốc men để tiêm phòng ngay cho bé trong 24 giờ đầu sau sinh. Đây là việc rất quan trọng, cho nên bố mẹ phải chủ động tìm, hỏi bệnh viện nào có thể tiêm huyết thanh kháng HBV (HBIG) và vắc xin viêm gan B cho bé thì hãy nên sinh đẻ ở viện đó.

Các trường hợp trên là thực tế sẽ xảy ra, các cặp vợ chồng nên chủ động làm xét nghiệm và tư vấn trước sinh. Còn cụ thể rơi vào trường hợp như thế nào, xử trí sao cho tốt nhất thì sẽ cần gặp bác sỹ chuyên điều trị viêm gan virus B tư vấn. Xin nhắc lại là lĩnh vực này thuộc về cả 2 mảng của Truyền nhiễm và Sản khoa, nhưng về chuyên môn sâu, kinh nghiệm tư vấn, phòng ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan B thì là của các chuyên gia Truyền nhiễm đặc biệt là những bác sỹ có kinh nghiệm điều trị viêm gan B mạn tính tại các Bệnh viện lớn.

Bác sỹ Thắng.

 

Tags :

Nổi bật Sức khỏe Tin tức

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: