THỦY ĐẬU NGUY HIỂM KHÔNG? BẠN CẦN BIẾT NHỮNG ĐIỀU NÀY VỀ THỦY ĐẬU

24/05/2021 0 Bình luận

Thủy đậu là bệnh gì, có nguy hiểm không, có biến chứng gì không? Khi bị thủy đậu có cần kiêng ăn gì không, có được tắm rửa bình thường không? Triệu chứng của thủy đậu như thế nào, làm sao để chẩn đoán thủy đậu? Cách điều trị thủy đậu tại nhà? Bệnh thủy đậu có lây không? Mỗi người sẽ bị mấy lần thủy đậu trong đời? Cách phòng chống bệnh thủy đậu tốt nhất là gì? Những quan niệm sai lầm nào hay gặp phải khi bị thủy đậu?

Bác sĩ Thắng chuyên khoa Truyền nhiễm sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc kể trên ngay lập tức.

Thủy đậu là bệnh gì? Có lây không? Có nguy hiểm không?

Thủy đậu (hay còn gọi trái rạ, phỏng dạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, diễn ra trong khoảng 1 vài tuần lễ, là bệnh có tính chất lây rất mạnh, đặc biệt trong môi trường đông người, tập thể, trường học và ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra, bình thường không nguy hiểm, thuộc nhóm bệnh có thể tự khỏi và chăm sóc tại nhà được, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan vì đây là bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng da nặng, có thể để lại sẹo lõm rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
  • Nhiễm khuẩn huyết, vi khuẩn từ vết tổn thương mụn nước của thủy đậu mà xâm nhập vào máu, đi vào hệ tuần hoàn gây tổn thương đa cơ quan, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Viêm não do thủy đậu. Thực tế lâm sàng đã gặp ca bệnh ở Bệnh viện nhiệt đới TPHCM, vài ngày đầu bệnh bình thường, sau đó dần rơi vào trạng thái rối loạn ý thức và hôn mê. Tỉ lệ hiếm nhưng đã có xảy ra, căn nguyên do rối loạn hệ miễn dịch, cơ thể chống lại bộ não dưới tác nhân của virus thủy đậu làm mồi xúc tác. Một số cơ chế khác giải thích rằng do chính virus thủy đậu gây tổn thương não nhưng không thuyết phục bằng sự công nhận nguyên nhân do cơ chế tự miễn hay còn gọi Viêm não tự miễn NMDA.
  • Biến chứng lâu dài, hàng chục năm về sau đó chính là gây ra bệnh Zona thần kinh có cảm giác bỏng rát, nổi nhiều mụn nước dọc dải thần kinh.

Khi bị thủy đậu cần kiêng gì, ăn uống, tắm rửa ra sao?

Mọi người hay lầm tưởng bị thủy đậu phải kiêng tuyệt đối nước, tránh gió, ở phòng kín mít, ăn ít là tốt nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Khi bị thủy đậu chúng ta cần phải thoải mái tinh thần, ăn nhiều, đa dạng thực phẩm để tăng sức đề kháng. Phòng ốc cũng cần thoáng mát chứ không nên đóng kín cửa tối ngày. Việc tắm rửa là điều mọi người rất quan tâm và cũng rất khó để quyết định có nên tắm hay không? Nếu không thì bẩn quá, ngứa ngáy làm sao chịu được, còn nếu có nhỡ bị vỡ mụn nước có sao không, có ảnh hưởng nghiêm trọng gì không? Thực ra là vẫn tắm rửa bình thường, chỉ cần nhớ là tắm nước phải thật sạch và không kì cọ vào vùng có mụn nước.

Bị thủy đậu có để lại sẹo không?

Khi đến giai đoạn toàn phát của thủy đậu, ai nhìn cũng sợ và lo sau này sẽ để lại sẹo, nhưng thực tế đây là mụn nước lành tình, chỉ có tổn thương ở lớp thượng bì nên không để lại sẹo nếu như mụn nước đó tự lớn dần lên và vỡ theo chu trình chứ không phải bị nặn bóp và không bị bội nhiễm. Tức là cứ để yên, chỉ cần bôi xanh methylen lên và đừng làm gì thì sẽ không để lại sẹo.

Mụn thủy đậu để lại sẹo khi nào? Sẹo thủy đậu sẽ ra sao?

Thủy đậu có rất nhiều tổn thương mụn nước lành tính, bình thường không để lại sẹo nhưng nếu không giữ vệ sinh tốt, nặn bóp nhiều hoặc để bội nhiễm (mụn thủy đậu bị nhiễm khuẩn và sưng mủ chứ không còn trong veo như ban đầu) thì sau này sẽ để lại sẹo. Sẹo thủy đậu thường có đặc điểm là sẹo lõm, và rỗ trông như tổ ong.

Triệu chứng của thủy đậu có dễ bị nhầm lẫn không? Làm sao để phân biệt khi mới bị thủy đậu với các bệnh khác?

Khi thủy đậu ở giai đoạn toàn phát, có nghĩa là nổi mụn nước rất nhiều, toàn thân thì rất dễ để chẩn đoán, nhưng ở giai đoạn sớm sẽ khó và dễ bị nhầm với các ban dị ứng ngoài da, viêm da hoặc cũng có thể nhầm với cả nguyên nhân do kiến ba khoang cắn.

Tuy nhiên để khỏi bị nhầm, người ta cần chẩn đoán thủy đậu dựa vào các yếu tố như sau:

  1. Người bệnh đã có tiêm phòng vắc xin hay chưa?
  2. Dịch tễ có tiếp xúc với người bị thủy đậu trong 1 vài tuần trở lại đây
  3. Ban thủy đậu là dạng mụn nước có đặc điểm: nông, trong, dễ vỡ và nhiều lứa tuổi. Có nghĩa là ban mụn nước trong thủy đậu nhìn nhỏ gọn, trong veo, không đục (trừ khi bị bội nhiễm), nổi gồ nhẹ lên bề mặt da, không cần làm gì mà đến lúc nó sẽ tự vỡ; đồng thời trên một vùng da bệnh có đủ loại mụn nước từ mới nhú cho đến to trưởng thành, thậm chí là có mụn vỡ rồi và đang hình thành da non.
  4. Mùa thường xảy ra là cuối đông đầu xuân, tuy nhiên thực tế ở TPHCM, thủy đậu có thể xảy ra quanh năm.
  5. Một số triệu chứng khác có thể kèm theo trong bệnh thủy đậu gồm: mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, sốt cao, đau đầu, đau nhức toàn thân, ngứa râm dan toàn thân...

Bị thủy đậu thì nên uống thuốc gì? Điều trị thủy đậu có khó không?

Như đã trình bày ở trên, thủy đậu là bệnh có thể tự khỏi, nhưng chúng ta vẫn cần điều trị để đẩy nhanh quá trình hồi phục, lành bệnh và đặc biệt là phòng ngừa biến chứng.

Thuốc kháng virus Acyclovir nên được dùng càng sớm càng tốt, nếu uống muộn quá sẽ không tỏ ra hiệu quả. Acyclovir dùng với liều 800mg x  5 viên/ ngày x 5-7 ngày.

Các thuốc điều trị triệu chứng kèm theo gồm có kháng histamin như loratadin, clopheniramin, cetirizin, fexofenadin..., các thuốc giảm đau hạ sốt gồm: Ibuprofen, Paracetamol...vitamin, sinh tố...

Thuốc bôi ngoài da thường dùng là Xanhmethylen, dung dịch Milian...

Trường hợp có bội nhiễm nên dùng kháng sinh sớm, có thể là Amoxicilin, Cephalexin, Ciprofloxacin,...

Bị thủy đâu bao lâu thì khỏi?

Nếu không có biến chứng, bệnh nhân được nghỉ ngơi, uống thuốc, chăm sóc tốt thì bệnh sẽ lui dần trong khoảng 7- 10 ngày, và khỏi hoàn toàn trong khoảng 2 tuần kể từ phát bệnh.

Thời gian nào thủy đậu dễ lây nhiễm sang cho người khác nhất?

Đó chính là trước 2 ngày và sau 5 ngày kể từ khi các triệu chứng của thủy đậu bắt đầu bùng phát. Khoảng thời gian có thể lây sẽ dài hơn, nhưng 1 tuần này là quãng thời gian nồng độ virus cao nhất và dễ lây truyền sang người khác nhất.

Một người có thể bị mấy lần thủy đậu trong đời?

Thủy đậu là bệnh gây miễn dịch bền vững sau khi khỏi bệnh, do đó thường mỗi người chỉ bị một lần mắc thủy đậu trong đời. Cá biệt có trường hợp bị đến lần thứ 2 nhưng rất hiếm và lần sau có bị cũng rất nhẹ không đáng kể.

Có phải cứ nổi càng nhiều mụn nước là càng bị thủy đâu nặng hơn không?

Không phải như vậy, tùy theo cơ địa, có người nổi nhiều, có người ít, có người nhanh khỏi, có người lâu khỏi hơn một chút nhưng không phải có có nhiều mụn nước đã là nặng hơn. Vì vấn đề có những người nổi tí mụn nước đã có biến chứng. Do đó chúng ta càng không nên chủ quan thấy nổi ít mụn nước là nhẹ.

Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là gì?

Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm phòng vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hoặc tiêm vắc xin các mũi dịch vụ theo khuyến cáo y tế.

Nếu bạn chưa được tiêm thì có thể đi tiêm ngay, dù cho đã lớn tuổi. Hoặc nếu không muốn tiêm phòng vắc xin thì hãy tránh xa những ai có biểu hiện mắc bệnh thủy đậu.

Trở lại trang Y HỌC GIA ĐÌNH

Bác sĩ Thắng tư vấn miễn phí: 0988778115

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: