BỆNH TAY CHÂN MIỆNG NGUY HIỂM THẾ NÀO? CÓ CẦN NHẬP VIỆN ĐIỀU TRỊ HAY KHÔNG?

28/05/2021 0 Bình luận

Tay - chân - miệng là bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở người trưởng thành, bệnh thường nhẹ nhưng có một số biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng. Tay chân miệng còn là bệnh gây nguy cơ tử vong cao và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vậy triệu chứng và chẩn đoán bệnh tay chân miệng thế nào? Những dấu hiệu nào cho thấy bệnh Tay-chân-miệng diễn biến nặng và cần phải nhập viện ngay? Cách phòng tránh và bảo vệ trẻ nhỏ trong mùa dịch bệnh thế nào là phù hợp nhất?

Tay - Chân - Miệng là bệnh gì? Cách lây truyền của bệnh tay-chân-miệng?

Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra do virus đường ruột mà điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71) gây ra.

Bệnh lây qua một số con đường, hình thức như:

  • Dịch tiết mũi hoặc họng (nước bọt, nước mũi, dãi, nhớt, đờm…).
  • Chất lỏng bên trong mụn nước (tổn thương ở da niêm mạc tay, chân, miệng hoặc một số vị trí khác)
  • Các giọt hô hấp (chứa virus tay chân miệng có hình cầu, đường kính từ 27 – 30nm) bắn vào không khí sau khi ho hay hắt hơi.
  • Chất thải từ cơ thể người bệnh (chẳng hạn như phân, dịch tiết hậu môn...).
  • Tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus từ người bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Tóm lại là lây qua 2 con đường chính: hô hấp (do ho, hắt hơi, nói chuyện trực tiếp...) và đường tay bẩn (tay nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng).

Dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán xác định bệnh Tay-chân-miệng?

Về mặt lý thuyết, bệnh tay chân miệng diễn biến qua 4 giai đoạn lâm sàng ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh, nhưng thực tế cha mẹ, phụ huynh các trẻ nhỏ chỉ quan tâm khi bé có nhiều dấu hiện như: ăn kém, sốt, mệt mỏi, ho, nổi mẩn mụn nước hoặc những bất thường biểu hiện ra bên ngoài cơ thể (tương đương với giai đoạn toàn phát của bệnh).

Cụ thể ở giai đoạn này sẽ có các biểu hiện có thể gặp trong tay chân miệng gồm:

  • Sốt
  • Giật mình
  • Bỏ bú, quấy khóc vô cớ (với trẻ sơ sinh)
  • Nổi mụn nước ở tay, chân, miệng và có thể ở cả mông, đùi, hậu môn, khuỷu tay, gối...

Trong đó triệu chứng nổi mụn nước ở tay chân miệng là điển hình nhất khiến một người không có chuyên môn cũng nghĩ tới là mắc bệnh tay chân miệng.

Để chẩn đoán xác định, cần phải làm xét nghiệm PCR, nhưng đây chỉ mang tính chất tham khảo hoặc làm khi bệnh nhân rất nặng, nhập viện điều trị mới phải làm để khẳng định nguyên nhân, còn thực tế các bác sĩ sẽ chẩn đoán một ca bệnh tay-chân-miệng dựa vào các yếu tố:

  1. Dịch tễ: môi trường có bạn bị mắc bệnh tay-chân-miệng hoặc tiếp xúc với người từng bị tay-chân-miệng.
  2. Mùa: ở miền Bắc thường vào mùa hè, đầu thu, nhưng ở miền Nam Việt Nam bệnh có thể xảy ra quanh năm.
  3. Lứa tuổi: hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đi học mẫu giáo và có điều kiện vệ sinh kém.
  4. Lâm sàng: các triệu chứng kể trên mà điển hình có nốt mụn nước ở tay-chân-miệng là đáng tin cậy hơn cả.

Tay-chân-miệng có những biến chứng nguy hiểm thế nào? Làm sao biết để đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời?

Bệnh tay-chân-miệng có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời, bao gồm:

  • Rối loạn điện giải do sốt cao, mất nước nhiều
  • Viêm não, viêm màng não, hôn mê
  • Liệt chi
  • Rối loạn hô hấp, phù phổi cấp
  • Trụy mạch, loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Vậy làm sao để biết những dấu hiệu có thể dẫn tới tình trạng diễn biến nặng mà nhập viện điều trị kịp thời?

Đó là khi bé không còn chỉ có sốt thông thường mà kèm theo một trong các biểu hiện sau:

  • Bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần / 30 phút
  • Giật mình ghi nhận lúc khám

Bệnh sử có giật mình kèm theo đó là một dấu hiệu dưới đây:

  • Ngủ gà
  • Mạch nhanh > 150 lần /phút (khi trẻ nằm yên, không sốt).
  • Sốt cao ≥ 39 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Thất điều: Run người, run chi, đứng ngồi không vững, đi loạng choạng.
  • Rung giật nhãn cầu, lác mắt.
  • Yếu chi hoặc liệt chi.
  • Liệt thần kinh sọ: Nuốt sặc, thay đổi giọng nói...

Điều trị Tay chân miệng thế nào tốt nhất?

Đa số các trường hợp mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ và tự khỏi, chúng ta chỉ cần chăm sóc, dùng thuốc hạ sốt như với một trẻ bị cảm cúm thông thường hoặc sốt siêu vi thôi. Chỉ khi có một trong các dấu hiệu cảnh báo như trên thì đề nghị đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?

Chủ yếu là vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cho trẻ vui chơi và rửa tay sạch sẽ thường xuyên.

Tăng cường dinh dưỡng, cân đối hài hòa các loại thực phẩm, uống thêm một số vitamin khoáng chất giúp trẻ khỏe mạnh hơn là đủ.

Nếu có biểu hiện bệnh hoặc tại trường học nơi bé sinh hoạt có trẻ nhiễm bệnh thì nên cho trẻ nghỉ tại nhà, tránh tập trung đông người, đặc biệt là tránh tiếp xúc với trẻ có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh Tay chân miệng.

Bác sĩ Thắng.

Trở về trang Y HỌC GIA ĐÌNH

Tags :

Nổi bật Sức khỏe Tin tức

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: