CẦN BIẾT NHỮNG ĐIỀU NÀY VỀ ZONA

10/07/2021 0 Bình luận

Những ai đã từng một lần bị zona đều sẽ hiểu cảm giác khó chịu như thế nào, đặc biệt một số người còn bị đau dai dẳng hàng tháng trời sau khi đã lành tổn thương trên da, vậy nguyên nhân tại sao lại bị zona? Chẩn đoán, điều trị và làm thế nào để phòng ngừa đau dây thần kinh sau khi khỏi zona?

Nguyên nhân gây bệnh zona?

Căn nguyên gây bệnh zona hay herpes zoster là một vi rút hướng da và thần kinh có tên là Varicella zoster virus (VZV) thuộc họ vi rút herpes và cũng chính là virus đã gây ra bệnh thủy đậu.

Cơ chế gây bệnh zona là do sau khi người mắc bệnh thủy đậu khỏi, một số ít virus tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống dưới dạng tiềm tàng, im lặng. Sau nhiều năm tháng ''mai phục'', gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, stress, làm việc quá sức, già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ở một số bệnh nhân ung thư, điều trị tia xạ, người mắc bệnh tiểu đường, HIV...những virus này sẽ bùng lên, gây viêm lan tỏa và hoại tử thần kinh, đồng thời virus lan truyền ngược chiều đến da, niêm mạc và gây ra tổn thương.

Chẩn đoán bệnh zona thần kinh khó hay dễ?

Chủ yếu dựa vào lâm sàng, và cơ bản thì không cần đến bác sĩ cũng có thể tự nhận ra đó là zona thần kinh dựa vào những dấu hiệu sau:

  1. Trước khi có biểu hiện ngoài da tự nhiên thấy có cảm giác bất thường một vùng da như kiểu bị bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, có một số người còn kèm nhức đầu, khó ngủ, sợ ánh sáng.
  2. Sau một vài ngày xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ tại vị trí mà trước đó cảm giác nóng rát.
  3. Tiếp theo một vài ngày xuất hiện trên nền những mảng đỏ đó là mụn nước thường tập trung thành chùm nho nhìn nông trong, dễ vỡ, nối với nhau thành từng chùm dọc dài, lan dần theo sợi thần kinh, càng gãi càng lan rộng và nhanh hơn. Triệu chứng đau tiếp tục tồn tại và tăng lên.
  4. Một số rối loạn khác kèm theo như rối loạn bài tiết vã mồ hôi, phản xạ dựng lông (hiếm gặp).
  5. Yếu tố nguy cơ: đợt này cơ thể bạn mệt mỏi, phải suy nghĩ nhiều chuyện gây căng thẳng, stress, ăn ngủ kèm, thay đổi thời tiết...

Các vị trí trên cơ thể có thể bị zona thần kinh là những đâu?

Tất cả các vị trí đều có thể bị như: đầu, mặt, cổ, chân tay, thân mình, mắt mũi, ngực, lưng, bụng, mông đùi, cơ quan sinh dục...

Nhưng thường gặp nhiều nhất là vùng cổ, ngực và thắt lưng.

Một số trường hợp suy giảm miễn dịch nặng như HIV/AIDS thì zona có thể xuất hiện và tái phát liên tục, diện bị tổn thương có thể là toàn thân, lâu khỏi, có loét hoại tử để lại sẹo xấu và lâu lành.

Phác đồ điều trị Zona là gì?

Chúng ta phải kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi.

Cụ thể tại chỗ thì bôi hồ nước, xanh methylen, mỡ acyclovir và mỡ kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.

Toàn thân uống acyclovir nhưng chú ý là uống càng sớm càng tốt khi mới bị bệnh và phải uống trong ít nhất 7-10 ngày để ngăn ngừa tái phát và chữa dứt điểm. Liều dùng là acyclovir 800mg ngày uống 5 lần, mỗi lần 1 viên.

Dự phòng đau sau zona thần kinh?

Để khỏi bị đau kéo dài sau khi khỏi zona thần kinh, chúng ta cần phải điều trị bằng thuốc kháng virus acyclovir càng sớm càng tốt, nhất là trong 72 giờ sau khi nổi mụn nước đầu tiên.

Uống các thuốc giảm đau thần kinh, an thần kinh như amitriptylin, carbamazepin, gabapentin, pregabalin, hoặc bôi kem chứa lidocain, prilocain...

Bác sĩ Thắng

Trở về trang Y HỌC GIA ĐÌNH.

 

 

 

 

 

Tags :

Sức khỏe Tin tức

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: